Rate this item
(0 votes)
(Reading time: 7 - 13 minutes)
Cuốn Suối nguồn có được viết để trình bày các quan điểm triết học của tôi không? Trả lời câu hỏi này, tôi xin trích lại từ bài viết Mục đích văn chương mà tôi đã trình bày ở Đại học Lewis và Clark vào ngày 1-10-1963: “Động cơ và mục đích của tôi khi viết văn là khắc họa hình ảnh con người lý tưởng. Mục tiêu rốt ráo nhất của tôi là khắc họa một mẫu người lý tưởng về đạo đức; tất cả các giá trị triết học, giáo dục, hay nhận thức trong tiểu thuyết chỉ là phương tiện để đạt mục tiêu rốt ráo ấy.

Suối nguồn

“Tôi xin được nhấn mạnh điều này: mục đích của tôi không phải là khai sáng độc giả về mặt triết học. Mục đích của tôi – mục đích cơ bản và rốt ráo nhất – là khắc họa chân dung Howard Roark (hoặc các nhân vật chính trong Atlas vươn mình) như cái đích tự thân.

“Tôi viết – và đọc nữa – vì lợi ích của câu chuyện. Phép thử đơn giản nhất của tôi cho bất cứ câu chuyện nào là: Liệu tôi có muốn gặp các nhân vật và chứng kiến những sự kiện kia trong đời thực hay không? Câu chuyện này có vẽ ra một kinh nghiệm đáng trải qua hay không? Niềm hạnh phúc được suy tưởng về các nhân vật này có đủ là mục đích tự thân hay không?...

“Vì mục đích của tôi là khắc họa con người lý tưởng, tôi phải xác định và vẽ ra những hoàn cảnh để cho nhân vật sống, đồng thời là hoàn cảnh mà sự tồn tại của con người lý tưởng đó đòi hỏi. Vì tính cách của con người là sản phẩm của những tín điều mà anh ta giữ, tôi cũng phải xác định và vẽ ra những tín điều và niềm tin sẽ tạo ra tính cách của con người lý tưởng và thúc đẩy các hoạt động của anh ta. Điều này cũng có nghĩa là tôi phải xác định và vẽ ra các nguyên tắc đạo đức hợp lý. Vì con người hoạt động và giao tiếp với nhau, tôi phải vẽ ra hệ thống xã hội ở đó con người lý tưởng của tôi có thể tồn tại và hoạt động – một hệ thống tự do, hiệu quả, hợp lý; một hệ thống đòi hỏi và tưởng thưởng cho những năng lực tốt đẹp nhất trong mỗi con người.

“Nhưng bản thân chính trị cũng như đạo đức hoặc triết học đều không thể tồn tại như mục đích tự thân, dù trong đời sống hay trong văn học. Chỉ có Con người mới có thể là mục đích tự thân cho chính mình mà thôi.”

Tôi có muốn thay đổi gì trong nội dung của cuốn Suối nguồn không? Không – và vì thế mà tôi đã giữ cuốn sách nguyên vẹn. Tôi muốn nó tồn tại đúng như nó đã được viết ra. Chỉ có một từ và một câu có thể gây hiểu nhầm mà tôi muốn giải thích rõ; vì thế tôi sẽ đề cập ở đây.

Cái từ có thể gây hiểu nhầm là từ “egotist” (có nghĩa là người tự cao tự đại) trong bài tự biện trước tòa của Roark; lẽ ra tôi phải dùng từ “egoist” (người theo chủ nghĩa vị thân). Lỗi này là do tôi đã ỷ lại vào giải thích của một cuốn từ điển – cuốn này đưa ra định nghĩa không chính xác về hai từ, trong đó “egotist” có vẻ gần hơn với tìm kiếm của tôi (cuốn Từ điển hàng ngày Webster, xuất bản năm 1933). (Tuy nhiên, các nhà triết học hiện đại có lỗi hơn các nhà biên soạn từ điển trong việc làm lẫn lộn hai từ này).

Còn câu văn cần đính chính nằm trong bài phát biểu của Roark: “Từ những thứ thiết yếu đơn giản nhất cho đến những khái niệm tôn giáo trừu tượng cao nhất, từ cái bánh xe cho đến các tòa nhà chọc trời, tất cả những gì mà chúng ta đại diện và tất cả những gì chúng ta có đều đến từ một thuộc tính của con người – đó là khả năng tư duy.”

Câu này có thể khiến người ta hiểu sai rằng tôi ủng hộ tôn giáo hoặc các tư tưởng tôn giáo. Tôi nhớ là mình đã lưỡng lự khi viết câu này, rồi tự nhủ rằng sự vô thần của cả Roark và tôi cũng như tinh thần chung của cả cuốn sách đã được khẳng định rõ ràng đến mức không ai có thể hiểu nhầm, nhất là khi tôi đã nói rằng những tư tưởng tôn giáo cũng là sản phẩm của đầu óc con người chứ không phải sự mặc khải của đấng siêu nhiên nào.

Tuy nhiên, những vấn đề như thế này cần phải được giải thích rõ ràng. Tôi không hề nói đến tôn giáo theo nghĩa tôn giáo đức tin mà tôi nói đến tôn giáo như một nhánh đặc biệt của tư duy trừu tượng, một hình thái có tính thăng hoa tinh thần cao nhất, một hình thái mà trong nhiều thế kỷ qua đã gần như là hoạt động độc quyền của tôn giáo. Và tôi nói đến đạo đức – không phải theo nghĩa các giáo lý tôn giáo mà là đạo đức theo nghĩa trừu tượng, đạo đức như lĩnh vực quy định các giá trị, đạo đức như bộ luật tốt và xấu của con người; đạo đức mà, đứng về mặt tình cảm, thì được biểu hiện ở cảm giác lớn lên, cảm giác tự tôn, cảm giác cao cả, cảm giác vĩ đại – những thứ thuộc về giá trị con người nhưng đã bị tôn giáo chiếm làm đặc tính của mình.

Tôi đã ngụ ý dùng những nghĩa trên cho một đoạn khác trong cuốn sách, một đoạn thoại ngắn giữa Roark và Hopton Stoddard, và nó có thể bị hiểu nhầm nếu bị tách khỏi bối cảnh:

“Anh là một người có đức tin sâu sắc, Roark ạ – đức tin theo cách riêng của anh. Tôi có thể nhìn thấy nó trong những tòa nhà anh kiến trúc.”

“Đúng vậy.” – Roark trả lời.

Trong bối cảnh của cuốn sách, nghĩa của câu trên rất rõ ràng: Stoddard đang nói đến sự tuân thủ tuyệt đối của Roark đối với các giá trị, đối với cái cao nhất và tuyệt vời nhất, với cái lý tưởng (trong kiến trúc và cuộc sống). Việc xây dựng Đền Stoddard và phiên tòa tiếp theo sự việc này minh họa rõ cho câu trên.

Điều này dẫn tôi đến một vấn đề lớn hơn, có liên quan tới từng câu một trong cuốn Suối nguồn và cần phải được hiểu rõ nếu như bạn đọc muốn hiểu lý do sự hấp dẫn lâu dài của cuốn sách này.

Sự độc quyền của tôn giáo trong lĩnh vực đạo đức khiến cho việc trao đổi các ý nghĩa và sắc thái tình cảm từ góc độ lý tính trở nên hết sức khó khăn. Vì tôn giáo đã độc quyền trong việc đề ra các quy định đạo đức, đưa đạo đức chống lại con người, nên tôn giáo cũng đã chiếm đoạt luôn các khái niệm đạo đức cao nhất trong ngôn ngữ, đưa chúng ra khỏi thế giới và tầm với của con người. Ví dụ như từ “thăng hoa” (exaltation) thường được dùng để ngụ ý một trạng thái tình cảm của người đã được chứng kiến đấng siêu nhiên. Từ “thờ phụng” (worship) được dùng để chỉ sự trung thành và tận tụy đối với những thứ ở bên trên con người. Từ “tôn kính” (reverence) ám chỉ cảm giác tôn trọng mang tính thần thánh mà người ta cảm giác được khi quỳ trên đầu gối (vào lúc cầu nguyện). Từ “thiêng liêng” (sacred) cũng có nghĩa là vượt trên và bất khả xâm phạm bởi những gì thuộc về con người trên mặt đất. Vân vân...

Trong khi đó, tất cả những khái niệm trên đều liên quan đến những cảm giác thực của con người mà không cần có gì siêu nhiên hiện hữu; và người ta có thể kinh nghiệm những cảm giác này khi họ thấy mình lớn lên hay cao thượng lên mà không cần phải đi kèm với cảm giác hạ mình (xuống dưới đấng siêu nhiên[6]) như các khái niệm tôn giáo đòi hỏi. Vậy thì, trong thực tế, người ta lấy cái gì để làm nguồn gốc hoặc làm tham chiếu cho các kinh nghiệm của mình? Lẽ ra, người ta phải tham chiếu toàn bộ thế giới tình cảm của mình trong tương quan với một mô hình đạo đức lý tưởng. Thế nhưng, thực tế là ngoài cảm giác tự hạ mình xuống mà tôn giáo quy định cho con người, toàn bộ phần còn lại của thế giới tình cảm ấy đã bị bỏ mặc, không hề được gọi tên, làm rõ hoặc công nhận.

Chính những cấp độ tình cảm cao nhất này của con người là cái cần phải được cứu chuộc lại từ trong bóng tối của chủ nghĩa thần bí và phải được trả lại cho chủ nhân chân chính của nó: con người (chứ không phải đấng siêu nhiên).

Và chính với ý nghĩa này, với suy nghĩ này, tôi muốn nêu rõ tính chất của cuộc sống mà cuốn Suối nguồn đã khắc họa: đó là cuộc sống tôn vinh con người.

Tôn vinh con người là một cảm giác mà một số ít người – thậm chí rất ít – kinh nghiệm được nó một cách thường xuyên; một số khác kinh nghiệm nó qua những khoảnh khắc rời rạc, lóe lên rồi tắt đi mà không để lại ảnh hưởng gì; một số người thậm chí không hề biết đến nó; trong khi một số khác nữa thì biết và dành cả đời để điên cuồng dập tắt những khoảnh khắc lóe lên đó.

Xin đừng nhầm lẫn sự “tôn vinh con người” này với rất nhiều những toan tính mà ở đó, thay vì giải phóng luân lý ra khỏi vòng cương tỏa của tôn giáo và đưa trả nó về với lĩnh vực tư duy lý tính của con người thì người ta lại khoác cho nó một hình hài vô nghĩa và kinh khủng nhất của sự cuồng tín. Ví dụ như tất cả các biến thể của chủ nghĩa tập thể thực ra giữ nguyên những nguyên tắc đạo đức tôn giáo, có điều họ thay “Chúa” bằng “xã hội” để đẩy con người vào chỗ tự hy sinh làm vật tế thần. Bên cạnh đó là hàng loạt các trường phái triết học hiện đại – những trường phái phủ nhận các nguyên tắc tư duy và tuyên bố rằng thực tại chỉ là một tổ hợp hỗn loạn được tạo ra bởi những phép mầu và tuân thủ quy tắc ngẫu nhiên – không phải sự ngẫu nhiên do Chúa tạo ra, mà sự ngẫu nhiên do con người hay xã hội tạo ra. Những kẻ theo quan điểm thần bí mới này không hề tôn vinh con người; chúng chỉ là những kẻ dung tục hóa con người và cũng thù địch con người một cách điên cuồng như những bậc tiền bối vốn tôn thờ chủ nghĩa thần bí của chúng.

Một dạng thô thiển hơn của sự thù địch với con người mà tôi vừa nói đến là những quan điểm của những kẻ bị thống kê và những chi tiết vụn vặt của đời sống làm mờ mắt. Những kẻ này – vì không đủ khả năng nhận thức được ý nghĩa của sự tự ý thức ở con người – đã tuyên bố rằng con người không thể là đối tượng của sự tôn vinh bởi vì chúng chưa gặp một ai xứng đáng với sự tôn vinh đó.

Những người tôn vinh con người – theo đúng nghĩa mà tôi muốn nói tới – là những người nhìn ra tiềm năng cao nhất của con người và nỗ lực đạt tới điều đó. Những kẻ thù địch con người, trái lại, là những kẻ coi loài người như những sinh vật yếu ớt, sa đọa, đáng khinh bỉ và cố gắng để bản thân chúng không phải nhìn thấy điều ngược lại. Ở đây, cần chú ý rằng tri thức tự phản ảnh trực tiếp duy nhất mà con người có được là tri thức về chính bản thân mình.

Cụ thể hơn, ranh giới cơ bản nhất giữa những người tôn vinh con người và những kẻ thù địch con người là một bên thì phấn đấu cho sự thăng hoa của lòng tự tôn cũng như sự thiêng liêng của hạnh phúc thực sự trên mặt đất; còn bên kia thì cố gắng để con người không đạt được hai thứ đó. Hầu hết nhân loại tiêu tốn năng lượng và tình cảm của mình ở khoảng giữa của hai thái cực trên: họ chao đảo từ bên này sang bên khác, vùng vẫy để không phải gọi tên sự khổ sở của mình. Nhưng gọi tên hay không cũng không thay đổi được bản chất sự khổ sở của họ.

Có lẽ, cách tốt nhất để thâu tóm quan điểm cuộc sống trong Suối nguồn là dẫn ra đây những câu tôi đã đề trên đầu bản thảo của mình nhưng đã bỏ chúng đi khi đem xuất bản. Tôi xin nhân cơ hội này để trình bày với bạn đọc.

Tôi đã bỏ chúng đi vì tôi phản đối sâu sắc những quan điểm triết học của người viết ra những câu ấy: Friedrich Nietzsche[9]. Về mặt triết học, Nietzsche ủng hộ quan điểm thần bí và sự phi lý. Các quan điểm siêu hình học của ông thể hiện một thế giới trộn lẫn giữa sự lãng mạn kiểu Byron với sự độc ác thần bí; nhận thức luận của ông hạ thấp vai trò của tư duy lý tính và thay nó bằng duy ý chí, hay cảm giác, hay bản năng, hay những đặc điểm bẩm sinh khác của đối tượng. Tuy nhiên, với tư cách một nhà thơ, thỉnh thoảng (chứ không thường xuyên), Nietzsche lại nói đến những tình cảm lớn lao đối với sự vĩ đại của con người – nhưng nói đến thông qua ngôn ngữ cảm giác chứ không phải ngôn ngữ tư duy.

 
Read 20579 times